Cựu bí thư Bắc Ninh: 'Vụ án là bài học cảnh tỉnh cho cán bộ đương chức'

17/12/2024
|
0 lượt xem
Pháp Luật
Cựu bí thư Bắc Ninh: 'Vụ án là bài học cảnh tỉnh cho cán bộ đương chức'

Ngày 30/10, ông Nguyễn Nhân Chiến, 64 tuổi, cựu bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bị VKS đề nghị 4-5 năm tù cho tội Nhận hối lộ - mức án cao nhất trong 4 cựu cán bộ bị xét xử cùng tội danh.

Ông Chiến bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thống nhất việc phân chia, tạo điều kiện cho hai doanh nghiệp trúng thầu trái pháp luật, nâng khống giá thiết bị y tế tại 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, gây thiệt hại hơn 48 tỷ đồng. Đổi lại, ông được các doanh nghiệp "cảm ơn" hơn 14 tỷ đồng, trong số này tiền hối lộ được xác định 4 tỷ đồng.

>>Mức án VKS đề nghị cho 13 bị cáo

Tự bào chữa gần 10 phút, ông Chiến thừa nhận và nhất trí cao cáo buộc của cơ quan công tố, song xin xem xét bối cảnh phạm tội và những tình thế khó khăn của địa phương cũng như cá nhân ông trong vụ án.

Ông Nguyễn Nhân Chiến tại tòa. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo nói, là người đứng đầu tỉnh, luôn cùng các cấp dưới làm việc tận tụy để đưa Bắc Ninh trở thành cái tên top đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực trong thời gian qua.

"Nhưng cũng vì là người đứng đầu mà vụ án này trở thành bài học sâu sắc, điều đau xót nhất đối với tôi", cựu bí thư Bắc Ninh cho biết, cúi đầu xin lỗi Đảng, nhân dân. Ông xin khoan hồng cho những đồng nghiệp cao tuổi, đã về hưu còn vướng lao lý và cả các bị cáo thuộc doanh nghiệp, cho rằng họ "thực sự đã có công lớn với địa phương, xin vốn cho tỉnh".

"Bị cáo mong vụ án này còn là bài học sâu sắc cho các cán bộ còn đương nhiệm, không nên vì nể nang mà làm sai nhiệm vụ; phải hiểu và sống, làm việc thượng tôn pháp luật", ông Chiến nói rồi bật khóc khi đề cập nguyện vọng được "chăm sóc mẹ già".

Luật sư: Ông Chiến bị lợi dụng trong lúc 'bận rộn, thiếu cảnh giác'

Sau phần trình bày của ông Chiến, chủ tọa nhắc nhở chung các luật sư bào chữa tập trung, ngắn gọn "cái gì nói nhiều rồi thì tránh nhắc lại, ví dụ như công lao đóng góp".

Bào chữa cho ông Chiến sau đó, luật sư Nguyễn Văn Tú phân tích về bối cảnh phạm tội và những "thế khó, áp lực" mà thân chủ đối mặt trong vụ án.

Theo luật sư, 6 bệnh viện xây xong "có vỏ không có ruột", do tỉnh không còn tiền mua thiết bị, như lời các bị cáo khai chiều qua. Hai doanh nghiệp đến đúng lúc cần và đưa ra những đề nghị tháo gỡ cho địa phương. Ông Chiến cũng như các lãnh đạo tỉnh khi đó đều trong tình thế "phải theo và tạo điều kiện". Do đó, VKS cáo buộc "ông Chiến phạm tội với động cơ vụ lợi", theo luật sư là khiên cưỡng, bởi nếu 6 bệnh viện không thể vận hành do thiếu thiết bị thì sẽ là áp lực cực lớn đối với an sinh xã hội.

Chấp nhận và tạo điều kiện cho hai doanh nghiệp là "giải pháp duy nhất vào thời điểm đó", luật sư nêu quan điểm bào chữa và dẫn lại lời khai của ông Chiến, ông Quỳnh hôm qua, cho đây là "thông lệ nhiều năm" của tỉnh.

Luật sư cũng cho rằng trong tình huống cấp bách, hành vi của ông Chiến không có tính chất trục lợi cá nhân, "không gợi ý, không ép buộc, không thỏa thuận, không sách nhiễu" doanh nghiệp mà chỉ nhằm "hết lòng chăm lo sóc sức khỏe nhân dân".

Theo luật sư, tiền ông Chiến nhận dịp lễ, tết do bà Nhàn "sắp đặt cẩn thận, khéo léo khiến người nhận khó từ chối" và không thể nghĩ đó là chuyện đưa hối lộ. "Bà Nhàn luôn đưa tiền khi ông Chiến bận rộn - một thủ đoạn đưa tinh vi, khiến người nhận dễ dàng bị hiểu lầm và thiếu cảnh giác. Thân chủ tôi bị động khi nhận tiền, nằm ngoài suy nghĩ và mong đợi của ông ấy", luật sư nói.

21 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Ảnh: Phạm Dự

Trình bày sau đó, cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh không tự bào chữa, dành lời hoàn toàn cho luật sư Trần Nam Long.

Cho rằng mức án VKS đề nghị từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù là đã "rất nhân văn", luật sư Long nói những lần ông Quỳnh nhận tiền đều vào dịp lễ, tết, sinh nhật nên "lẫn lộn giữa quà tình cảm và hành vi phạm tội". Nội dung xét hỏi tại phiên tòa cho thấy có "sự không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn" giữa việc tri ân theo truyền thống giữa cấp trên, cấp dưới; giữa quan hệ tình cảm đồng hương, đồng nghiệp vào mỗi dịp lễ tết hàng năm với cái gọi là "cảm ơn" liên quan đến vụ việc.

Toàn bộ số tiền ông Quỳnh nhận, dù xác định là cảm ơn hay hối lộ, đều đã được nộp lại trong giai đoạn điều tra, tổng cộng 10,1 tỷ đồng và khắc phục thêm 300 triệu đồng.

Luật sư nói, những "dấu ấn đậm nét" của ông Quỳnh khi làm lãnh đạo tỉnh, theo góp ý của chủ tọa, sẽ không nhắc lại quá nhiều. Tuy nhiên, luật sư khẳng định thân chủ là "lãnh đạo sát sao và quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược và luôn vì sự phát triển chung". Khi ông vướng lao lý, hơn 600 cá nhân đã có đơn xin giảm án.

Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Thanh Lam - Phạm Dự

Tin liên quan
Tin Nổi bật